Hợp tác công - tư trong quản lý và phát triển du lịch

05-02-2024

Ngày 31/10 tại Hà Nội, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với Traveloka - nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á tổ chức Hội thảo “Hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch”. Sự kiện nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm quản lý điểm đến và phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

Quản lý và phát triển điểm đến nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn, năng lực cạnh tranh là những vấn đề được Chính phủ rất quan tâm. Đặc biệt là việc thu hút sự tham gia của các bên, đẩy mạnh hợp tác công tư, nâng cao nhận thức, bổ sung thêm nguồn lực cho sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch mỗi địa phương và quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Tính đến 9/2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,9 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt hơn 93,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành Du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo sinh kế người dân, nâng cao dân trí, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Cục Du lịch quốc gia)

Theo ông Hà Văn Siêu, nhu cầu của ngành Du lịch tiếp tục phục hồi, tăng tốc phát triển, cần tìm giải pháp đối với vấn đề phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu điểm đến tại các địa phương nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam rất cấp thiết.

Quản lý và phát triển điểm đến nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của các bên là những vấn đề được Chính phủ quan tâm trong những năm gần đây. Đặc biệt thu hút sự tham gia của các bên, đẩy mạnh hợp tác công - tư, nâng cao nhận thức, bổ sung thêm nguồn lực cho sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch mỗi địa phương cũng như phạm vi quốc gia.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị Traveloka thời gian tới tiếp tục đồng hành, hợp tác với du lịch Việt Nam trong các hoạt động quản lý điểm đến, xúc tiến quảng bá điểm đến, truyền thông thúc đẩy chuyển đổi số,… qua đó, du lịch Việt Nam sẽ từng bước phục hồi và phát triển.

Phát biểu tại hội thảo, ông Albert Zhang, Đồng sáng lập Traveloka cho biết, hiện nay, ngành du lịch thế giới đang nỗ lực mạnh mẽ để phục hồi sau đại dịch và hướng tới việc phát triển bền vững, có trách nhiệm, cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và bảo tồn văn hoá, di sản. Để đạt được điều này đòi hỏi toàn ngành phải có kế hoạch phát triển rõ ràng, cụ thể; cùng với sự tham gia của hoạt động hợp tác công tư. Việt Nam được thiên nhiên ưu ái với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt mỹ, các di sản văn hoá trải khắp đất nước và giàu tính lịch sử. Những yếu tố độc đáo trên tạo cho Việt Nam những điểm nổi bật, thu hút du khách khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, việc quản lý và phát triển điểm đến một cách bền vững cần được chú trọng trong thời gian tới. Hành trình này cần có sự chung tay tham gia của Chính phủ và toàn ngành du lịch.

Tại hội thảo, chia sẻ về cách quản lý và phát triển điểm đến du lịch, kinh nghiệm của Singapore, ông Wong Soon-hwa, thành viên Ban điều hành PATA, Chủ tịch danh dự Viện Quản lý du lịch Singapore cho hay, trong bất cứ mối quan hệ nào thì vai trò của Chính phủ vô cùng quan trọng, đặc biệt trong mối quan hệ công - tư này rất cần Chính phủ chủ trì để phê duyệt các chính sách nhanh hơn, cần có kế hoạch mục tiêu rõ ràng, cần có kế hoạch tổng thể, phát triển bền vững, cân đối cả số lượng và chất lượng.

Còn bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh chú trọng vào hợp tác công tư, tăng cường truyền thông quảng bá hình ảnh điểm đến nổi bật của Quảng Ninh như Di sản Vịnh Hạ Long; vùng biển Bái Tử Long, huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô cùng 600 di tích lịch sử văn hóa gắn liền với nền văn minh sông Hồng; phát triển cơ sở hạ tầng như sân Golf và các địa điểm tổ chức MICE. Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực áp dụng chuyển đổi số tại các điểm tham quan du lịch nhằm tăng trải nghiệm cho du khách.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Công ty TNHH Traveloka Việt Nam ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác du lịch. (Ảnh: Cục Du lịch quốc gia)

Bà Widya Listyowulan, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ và chính sách công Traveloka cho rằng, việc sử dụng các nền tảng du lịch sẽ hỗ trợ du khách biết rõ hơn về điểm đến quan tâm thông qua các nhận xét từ những du khách đã trải nghiệm trước đó, tìm được những gợi ý, ý tưởng du lịch, đồng thời cũng sẽ tìm kiếm được những ưu đãi tốt.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận bàn tròn về “Cách tiếp cận để thiết lập quan hệ đối tác công tư tốt hơn trong quản lý điểm đến ở Việt Nam”. Theo đó, các đại biểu đều đồng tình về vai trò quan trọng của Chính phủ và các quản lý địa phương trong việc quản lý và phát triển điểm đến.

Trong khuôn khổ hội thảo, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Công ty TNHH Traveloka Việt Nam đã ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác du lịch trên các lĩnh vực xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch, truyền thông, xúc tiến quảng bá điểm đến… nhằm góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, Ban Tổ chức đã công bố ấn phẩm quảng bá điểm đến du lịch Bình Thuận và Quảng Ninh do Traveloka hỗ trợ - một điển hình về quan hệ đối tác công tư trong quảng bá điểm đến du lịch.

H.Lê - dangcongsan.vn

Quay lại