Tỉnh đầu tiên vùng ĐBSCL có 3 thành phố trực thuộc, GRDP tăng trưởng mạnh nhờ nông dân được mùa

25-02-2024

Thông tin với truyền thông trước thềm năm mới, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết năm 2023, GRDP bình quân đầu người của tỉnh tăng khá cao, do hầu hết bà con nông dân trúng mùa, trúng giá về nông sản, nhất là về giá lúa, gạo ở mức cao.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cùng với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, Đồng Tháp triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong bối cảnh nhiều thách thức chung thế giới và cả nước. Nhưng trước những khó khăn, một lần nữa khẳng định với định hướng đúng của Tỉnh, sự thích ứng, linh hoạt, đổi mới trong lãnh đạo, điều hành và sự đồng lòng, quyết tâm cao của hệ thống chính trị phát huy được sức mạnh toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp đã đạt được kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Cụ thể, quy mô nền kinh tế đạt trên 110.000 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt gần 130.000 tỷ đồng, lượt khách du lịch đạt trên 4 triệu và doanh thu du lịch đạt gần 2.000 tỷ đồng; các chương trình trọng tâm: xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm nghèo, phát triển doanh nghiệp... đều vượt kế hoach đã đề ra.

Đồng Tháp là một trong những tỉnh thành phát triển, có vị trí quan trọng cả về kinh tế lẫn văn hóa, du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 3 thành phố trực thuộc tỉnh. Tỉnh Đồng Tháp có diện tích 3.378km2, cách TP. HCM khoảng 165km2 về phía Tây Nam. Đồng Tháp bao gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện với dân số trung bình của tỉnh là khoảng 1,7 triệu người.

TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp

Đồng Tháp có hệ thống sông ngòi chằng chịt với hai nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu. Sông ngòi nơi đây quanh năm được bồi đắp lượng phù sa dồi dào nên rất thuận lợi để phát triển các ngành nghề thủy sản, nông nghiệp, giao thông đường thủy và du lịch sinh thái.

"GRDP bình quân đầu người tăng khá cao, do hầu hết bà con nông dân trúng mùa, trúng giá về nông sản, nhất là về giá lúa, gạo ở mức cao, đây là tín hiệu tích cực cho thấy Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, trở thành trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích thiết thực cho người dân tỉnh nhà", ông Nghĩa cho hay.

Bên cạnh đó, kết quả giải ngân đầu tư công của tỉnh tính đến 31/12/2023 đạt 93,28% (ước đạt 100% trong niên độ 2023). Các dự án cao tốc: Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1), Mỹ Thuận - Cần Thơ, nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ, tuyến tránh Quốc lộ 30 - TP. Cao Lãnh, cùng với các công trình trọng điểm của Tỉnh đã được triển khai đồng loạt.

Cũng trong năm qua, phương thức xúc tiến đầu tư được đổi mới, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư với Ấn Độ và Hội nghị giới thiệu các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản tại TP. HCM, mở ra nhiều triển vọng, cơ hội cho các nhà đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.

Trong năm vừa qua, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng trên địa bàn tỉnh có khoảng 700 doanh nghiệp thành lập mới và 21 dự án được cấp đầu tư, trong đó có 3 dự án đầu tư nước ngoài.

Đối với Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết tỉnh đặt rất nhiều kỳ vọng để đưa Đồng Tháp nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh các mục tiêu về phát triển kinh tế, Đồng Tháp đặc biệt chú trọng đến môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xem đây là nội dung là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển.

Hiện tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị để sau Tết Nguyên đán (dự kiến cuối tháng 2) sẽ tổ chức công bố Quy hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và tăng tính chủ động, trách nhiệm, hiệu quả quản lý quy hoạch, vừa bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa phát huy tối đa nguồn lực thực hiện.

Thảo Đan - NQS.VN

Quay lại